Chuyện về nỗi buồn.

Gần đây, có một chuyện đã khiến tôi buồn và suy nghĩ rất lâu. Kim JongHyun – giọng ca chính của nhóm nhạc Shinee qua đời. Anh tự lựa chọn cái chết cho mình, vì không thể chịu đựng căn bệnh trầm cảm lâu thêm được nữa. Khi nghe tin, tôi vô cùng shock, sau đó, chỉ còn nỗi buồn đọng lại. Tôi cứ nghĩ mãi về cái chết của anh, về căn bệnh trầm cảm, và về những nỗi đau mà chúng ta ai cũng có trong mình.

Cuộc sống là vậy, ai cũng có những tổn thương không thể chữa lành. Những tổn thương mà, chúng ta không dám chia sẻ với ai. Vì ta biết, dù có nói ra người đó cũng không thể hiểu được. Có thể người đó sẽ cười và an ủi rằng:”Rồi sẽ qua thôi.” Ai chẳng biết rồi sẽ ổn, nhưng vấn đề là chúng ta đang phải đấu tranh từng giây phút với những nỗi đau trong lòng để tất cả được ổn kìa. Quan trọng không phải là mọi chuyện sẽ được giải quyết, mà là việc chúng ta đang đau thế nào.

Khi rất nhiều cơn đau không thể nói ra, vết thương trong lòng chúng ta chồng chất càng nhiều. Tôi nhận ra lâu nay mình không khóc. Bất kể có chuyện gì, tôi cũng sẽ mỉm cười và động viên mình cố gắng. Rằng phải cố lên, không được hối hận. Tất cả những gì mình cần làm là tiến về phía trước. Nhưng trong rất nhiều lúc tự khích lệ như thế, tôi chỉ ước rằng mình có thể khóc một lần. Khóc vì ân hận, khóc vì tại sao mình lại mắc những lỗi lầm như thế, khóc vì quãng thời gian sống vô ích của mình. Ước rằng, sẽ có người ôm lấy tôi và vỗ vai tôi mỗi khi tôi yếu đuối. Những gì tôi cần làm không phải là mạnh mẽ gồng mình lên, mà là có thể gục ngã – một lần thôi cũng được. Gục ngã, rồi lại mạnh mẽ. Còn kiên cường quá lâu, khi ngã xuống sẽ không đứng lên được mất. Vì chúng ta đã mất khả năng tự chữa lành vết thương rồi.

Tôi đã nghĩ về những nỗi buồn của mình, và cả về chuyện lâu nay mình đã đối xử với nỗi buồn của những người xung quanh thế nào. Nhìn lại, thì ra tôi vẫn luôn nói với họ rằng mọi thứ sẽ qua; tôi vẫn dùng ánh mắt thương hại để nhìn họ để tỏ ra rằng mình thật sự cũng đã từng trải qua cảm giác đó và mình rất thấu hiểu. Nhưng thực ra không phải vậy. Đó không phải là cách chúng ta thực sự nên làm khi lắng nghe câu chuyện của một ai đó.

Hãy ôm một người khi họ nói rằng họ đang rất buồn.

Nói với họ rằng họ đã làm rất tốt. Họ đã cố hết sức mình rồi.

Nói rằng nỗi buồn được nói ra là đã nhẹ lòng đi rất nhiều rồi đấy.

Rằng mình sẽ luôn ở đây. Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.

Vì cuộc sống của mỗi người có quá nhiều bận rộn, nên nhiều khi chúng ta chẳng đủ rảnh rỗi để nhìn thấy ánh buồn trong mắt nhau, để lắng nghe tâm sự của nhau. Nhiều khi mất đi rồi, chúng ta chỉ còn lại niềm hối hận khôn cùng. Dành cho nhau thật nhiều quan tâm, để cùng đi tiếp.

Tôi rất thích một câu hát thế này: “Let me go. I don’t wanna be a hero. I don’t wanna a big man…” Không cần sống như một người hùng, đôi khi, hay để đôi vai bạn nhẹ gánh đi một chút. Và bớt chút buồn lo.

Bạn cũ.

13221651_1779048838993043_5066716101154566162_n
Cre: không biết tìm ở đâu

Mình nghĩ, bạn cũ nghe còn xót xa hơn người yêu cũ nữa. ( Dù mình còn chưa trải qua mối tình nào :))

Hôm qua, trước ngày chụp kỷ yếu, mình đã nghĩ rất nhiều về người bạn của mình. Thực ra dạo này mình luôn nghĩ đến người bạn ấy. Nó dường như trở thành nỗi đau, thỉnh thoảng trở lại, và hành hạ mình rất lâu.

Kiểu như, đã từng là bạn thân như thế, nhưng giờ hai đứa không còn bất cứ mối liên hệ nào. Đã từng xuất hiện trong cuộc sống của nhau một thời gian thật dài, cuối cùng thì chấm dứt. Khi chơi thân với một ai đó, mình hay nghĩ chúng mình sẽ ở cùng nhau mãi mãi. Thực ra, mãi mãi là một từ thật khó để có được.

Kiểu như, rõ ràng nó mới là người làm cho mối quan hệ trở nên lạnh lùng như vậy. Nó mới là người không thèm trả lời tin nhắn, rất lâu vào inbox hỏi thăm một câu, comment facebook một vài lời, rồi bỏ lại các cậu với những dòng chữ đáp lại mà chờ mãi cũng không thấy cuộc hội thoại được tiếp tục. Rất khó chịu, phải không?

Khi cảm xúc bùng nổ, mình có thể làm bất cứ điều gì. Mình không cần bất cứ một loại quan tâm nửa vời nào. Unfriend facebook, unfollow insta. Tất cả những gì có thể làm để không cần xuất hiện trong cuộc sống của nhau, mình đều làm.  Nhưng đôi khi, các cậu sẽ tự hỏi: ” Tại sao mình lại bị đối xử như thế?” Đôi khi, nhìn vài dòng kỉ niệm fb nhắc lại, các cậu sẽ lại nghĩ: “Ngày xưa chúng ta từng tốt biết bao nhiêu.” Người có thể đi, chúng ta có thể dứt khoát bằng vài nút bấm trên mạng xã hội, nhưng kí ức và hàng vạn câu hỏi tại sao thì lại chẳng biết đến bao giờ có thể quên.

Đấy là lí do mình cho rằng hai chữ bạn cũ còn đau lòng hơn cả người yêu cũ nữa. Đã cùng trải qua với nhau những năm tháng như thế. Là cảm giác có thể kể cho nó bất cứ chuyện gì trên đời. Cảm giác nó luôn là người lắng nghe mình dù luôn chửi mình là đồ trẻ con. Cảm giác khi khóc lóc, khi cần kêu gào, lại có một lời an ủi: ” Mày sẽ làm được.” “Bạn tao xinh nhất”. Cảm giác được tin tưởng một người tuyệt đối. Và cả cảm giác thật tự hào khi nhắc về nó với bao người.

Để rồi khi nhắc lại với những người đó: ” Tao với … không phải là bạn nữa”, bạn sẽ nhận lại bao nhiêu ánh mắt ngạc nhiên hỏi “Tại sao?” Biết làm sao được, chính bạn còn không biết lí do cơ mà.

Điều gì trở thành kí ức thì cũng buồn cả. Nhưng bạn cũ, nghĩ đến thì vẫn thấy buồn nhất. Buồn lắm.

Và chắc điều này còn hành hạ mình lâu nữa.

Này em.

Này em. 

Nếu có những ngày em mất ngủ vì phải suy nghĩ quá nhiều thứ. Em mất ngủ vì cảm thấy mình thật vô dụng. Em tự hỏi rẳng tại sao mình có thể mắc những sai lầm như thế. Em tự hỏi tại sao em khiến bản thân trở thành thế này. Loay hoay, và mất định hướng. Thì hãy dũng cảm lên. Đừng đặt tay lên trán và cố đặt cho mình hàng vạn câu hỏi tại sao nữa. Hãy tự nhủ rằng hối hận thế đã đủ rồi, giờ mình cẩn phải bước tiếp, một cách vững vàng. Hãy ngủ đi, nhé. Chỉ cần nhắm mắt lại và hít thở thật sâu.

Này em.

Nếu có những ngày em cảm thấy mờ mịt về tương lai của mình. Em không hề giỏi. Em không biết rốt cuộc sở trường của mình nằm ở đâu. Em không có kinh nghiệm. Em không có đam mê. Thì cũng hãy cố gắng lên. Hãy thử tất cả những gì mình có thể làm. Hãy bước ra ngoài kia và thử sức mình. Dù CV em gửi đi không được người ta phản hồi lại. Dù em bị từ chối. Dù  nhiều lúc những công việc em tự tin mình có thể làm tốt nhưng chờ mãi chờ mãi mà không thấy một cái confirm. Thì cứ thử đi. Rồi cơ hội sẽ đến vào lúc em không ngờ nhất. Em hãy nắm chặt lấy nó, được không?

Này em.

Những lúc buồn chán, dằn vặt, đừng nghĩ về quá khứ nhiều nữa. Nuối tiếc chẳng giúp gì cho em đâu. Chị gái đã bảo thế nào: “Đừng tự chôn mình trong những vụn vặt ấy nữa”. Hãy vươn mình lên. Vì quá khứ hay hồi ức, hay kỉ niệm đều không còn là của em nữa rồi.

Này em, dù thế nào thì, dù nhiều lúc mệt mỏi thế nào thì, hãy kiên trì nhé. Hãy để những mệt mỏi ấy xuất hiện khi em được bận rộn, được hết mình. Cô gái, em nhất định làm được. Không phải là “sẽ làm được” đâu, là “nhất định” đấy 🙂

 

“Việt Nam phong tục” – những điều đã trở thành nếp sống của ta.

Tôi bước vào Nhã Nam với dự định sẽ mua những cuốn mà đã liệt kê một hàng dài trong list. “Những lá thư không gửi” – Susie Morgenstern, “Khi ta mơ quá lâu” – Goh Poh Seng… Nhưng có một điều rất kì lạ, tôi thường có duyên với những cuốn sách của Việt Nam hơn. Kiểu như khi bạn nhìn thấy một cuốn sách, ý tưởng đầu tiên nảy lên trong đầu bạn là: mình phải mang nó về nhà. Bạn không cần phải mở vài trang xem nội dung thế nào, xem liệu có đúng với kì vọng của mình không. Khi nhìn thấy “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính, trong đầu tôi đã bật ra suy nghĩ như thế. Chẳng biết tại sao, vì những người xung quanh tôi thường ít có tình cảm nhiều với những cuốn sách thể loại này. Chắc bởi vì tôi luôn thích học lịch sử từ khi còn bé?

viet-nam-phong-tuc_2

Bìa sách đẹp, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách. Sách của Nhã Nam bao giờ cũng thế, điều đầu tiên là cần phải chỉn chu về trang bìa đã.

Sách được cụ Phan Kế Bính cho xuất bản từ năm 1915, giai đoạn mà đất nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ. Văn hóa Tây phương tràn vào quê hương của ta. Thế nên cuốn sách có một điều rất mới lạ: xen lẫn những phong tục lâu đời của dân ta, tác giả cũng bình luận thêm rằng ta khác văn hóa phương Tây ở điểm nào. Phan Kế Bính là một nhà nho. Những nhà nho của xã hội cũ thường khó có thể tiếp nhận được những tư tưởng phương Tây, nhưng ông thì khác. Đây là một điều đáng khâm phục. Không chỉ tiếp thu, ông còn thấy được cả những ưu điểm mà phong tục ta nên học hỏi, đây lại là một điều đáng khâm phục hơn. Tất nhiên, vì vốn dĩ là một nha Nho, nên ông vẫn còn nhiêu tư tưởng của thời xưa. Ví như chuyện lấy vợ nhiều ông coi là việc bình thường chẳng hạn.

Có một điều mà tôi rất thích ở cuốn sách, đấy là nguồn tư liệu vô cùng phong phú về phong tục của dân tộc ta. Từ những điểu giản dị như cách đặt tên con cho đến chuyện gia phả, dòng họ, làng xã. Tôi đã bật cười vì biết rằng các cụ ta hay đặt tên con theo vần: ” cha mẹ là Lần thì đặt là Thần, cha mẹ là Nhăng thì đặt con là Nhố” Bà tôi có kể rằng,những nhà nghèo thường hay đặt tên con như vậy. Tên càng giản đơn thì con càng dễ nuôi. Nghe sao mà thương!

Dân ta luôn coi trọng lễ tiết. Nên ta cũng sinh ra lắm phong tục là vì vậy. Từ chuyện gả chồng cho con, chuyện sính lễ, chuyện lễ bái, chuyện các ngày Tết trong năm.. Tôi thích đọc nhất khi ông viết về những ngày Tết. Tết Nguyên Đán ta có tục ăn Tết 3 ngày, làm tôi lại nhớ đến những ngày vui rộn ràng cùng gia đình của tôi. Tết Đoan Ngọ ta có tục ăn mận, uống rượu nếp … để diệt sâu bọ, tôi lại nhớ những ngày tôi còn chưa đi học xa, cứ đến Tết diệt sâu bọ, mẹ lại nấu rượu nếp, nấu xôi chè cho cả nhà. Đọc phong tục mà nhớ cả vùng kí ức!

nhung-phong-tuc-trong-ngay-tet-co-truyen-cua-nguoi-viet-nam-7

Không chỉ đơn thuần là viết lại những tập quán của dân ta, Phan Kế Bính còn tìm về gốc gác, giải thích cho độc giả hiểu tại sao lại có tục đó. Tôi vẫn luôn không hiểu tại sao ta cần phải cải mộ cho người thân sau mấy năm, đọc cụ Phan mà tôi đã hiểu.Đọc sách sử chính là như vậy. Nếu ta không hiểu đươc tường tận tại sao lại có sử đó, ta sẽ cảm thấy nó thật khô khan.

Điều cuối cùng tôi muốn nói ở “Việt Nam phong tục” chính là cách mà tác giả đặt những lời bình luận đánh giá sau những phong tục. Phong tục nào cũng có một lời bình. Mà đặc biệt những lời bình đó rất khách quan. Ví như phong tục nào của ta còn rườm rà, nhiều khi lôi thôi thành hủ tục, Phan Kế Bình thẳng thắn phê bình. Còn những gì hay, ông cũng khuyên ta nên gìn giữ. Tình anh em luôn gắn bó keo sơn nhưng cũng phải độc lập mà cố gắng vươn lên, con cái phải luôn trọn hiếu với cha mẹ nhưng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì cũng là điều không nên… Một nhà nho mà có tư tưởng tiến bộ như thế, thực đáng trân trọng!

Dù sao thì, “Việt Nam phong tục” cũng là một cuốn sách nên đọc và đáng đọc. Chẳng có lẽ nào một cuốn sách không hay có thể tồn tại được qua gần một thế kỉ và đến bây giờ vẫn luôn được đánh giá cao. Đọc sách để thấy một hồn người, thấy một cụ Phan Kế Bình đằng sau những dòng viết về phong tục đất nước là một tâm hồn yêu quê hương con người tha thiết. Đọc để thấy con người mình đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử như thế nào. Để thấy rằng có những giá trị vẫn vẹn nguyên như thế. Chúng tồn tại trong lòng ta, trong từng nếp sống của ta. Đó là Việt Nam của ông bà ta, cha mẹ ta, chúng ta và đồng bào ta!