“Việt Nam phong tục” – những điều đã trở thành nếp sống của ta.

Tôi bước vào Nhã Nam với dự định sẽ mua những cuốn mà đã liệt kê một hàng dài trong list. “Những lá thư không gửi” – Susie Morgenstern, “Khi ta mơ quá lâu” – Goh Poh Seng… Nhưng có một điều rất kì lạ, tôi thường có duyên với những cuốn sách của Việt Nam hơn. Kiểu như khi bạn nhìn thấy một cuốn sách, ý tưởng đầu tiên nảy lên trong đầu bạn là: mình phải mang nó về nhà. Bạn không cần phải mở vài trang xem nội dung thế nào, xem liệu có đúng với kì vọng của mình không. Khi nhìn thấy “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính, trong đầu tôi đã bật ra suy nghĩ như thế. Chẳng biết tại sao, vì những người xung quanh tôi thường ít có tình cảm nhiều với những cuốn sách thể loại này. Chắc bởi vì tôi luôn thích học lịch sử từ khi còn bé?

viet-nam-phong-tuc_2

Bìa sách đẹp, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách. Sách của Nhã Nam bao giờ cũng thế, điều đầu tiên là cần phải chỉn chu về trang bìa đã.

Sách được cụ Phan Kế Bính cho xuất bản từ năm 1915, giai đoạn mà đất nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ. Văn hóa Tây phương tràn vào quê hương của ta. Thế nên cuốn sách có một điều rất mới lạ: xen lẫn những phong tục lâu đời của dân ta, tác giả cũng bình luận thêm rằng ta khác văn hóa phương Tây ở điểm nào. Phan Kế Bính là một nhà nho. Những nhà nho của xã hội cũ thường khó có thể tiếp nhận được những tư tưởng phương Tây, nhưng ông thì khác. Đây là một điều đáng khâm phục. Không chỉ tiếp thu, ông còn thấy được cả những ưu điểm mà phong tục ta nên học hỏi, đây lại là một điều đáng khâm phục hơn. Tất nhiên, vì vốn dĩ là một nha Nho, nên ông vẫn còn nhiêu tư tưởng của thời xưa. Ví như chuyện lấy vợ nhiều ông coi là việc bình thường chẳng hạn.

Có một điều mà tôi rất thích ở cuốn sách, đấy là nguồn tư liệu vô cùng phong phú về phong tục của dân tộc ta. Từ những điểu giản dị như cách đặt tên con cho đến chuyện gia phả, dòng họ, làng xã. Tôi đã bật cười vì biết rằng các cụ ta hay đặt tên con theo vần: ” cha mẹ là Lần thì đặt là Thần, cha mẹ là Nhăng thì đặt con là Nhố” Bà tôi có kể rằng,những nhà nghèo thường hay đặt tên con như vậy. Tên càng giản đơn thì con càng dễ nuôi. Nghe sao mà thương!

Dân ta luôn coi trọng lễ tiết. Nên ta cũng sinh ra lắm phong tục là vì vậy. Từ chuyện gả chồng cho con, chuyện sính lễ, chuyện lễ bái, chuyện các ngày Tết trong năm.. Tôi thích đọc nhất khi ông viết về những ngày Tết. Tết Nguyên Đán ta có tục ăn Tết 3 ngày, làm tôi lại nhớ đến những ngày vui rộn ràng cùng gia đình của tôi. Tết Đoan Ngọ ta có tục ăn mận, uống rượu nếp … để diệt sâu bọ, tôi lại nhớ những ngày tôi còn chưa đi học xa, cứ đến Tết diệt sâu bọ, mẹ lại nấu rượu nếp, nấu xôi chè cho cả nhà. Đọc phong tục mà nhớ cả vùng kí ức!

nhung-phong-tuc-trong-ngay-tet-co-truyen-cua-nguoi-viet-nam-7

Không chỉ đơn thuần là viết lại những tập quán của dân ta, Phan Kế Bính còn tìm về gốc gác, giải thích cho độc giả hiểu tại sao lại có tục đó. Tôi vẫn luôn không hiểu tại sao ta cần phải cải mộ cho người thân sau mấy năm, đọc cụ Phan mà tôi đã hiểu.Đọc sách sử chính là như vậy. Nếu ta không hiểu đươc tường tận tại sao lại có sử đó, ta sẽ cảm thấy nó thật khô khan.

Điều cuối cùng tôi muốn nói ở “Việt Nam phong tục” chính là cách mà tác giả đặt những lời bình luận đánh giá sau những phong tục. Phong tục nào cũng có một lời bình. Mà đặc biệt những lời bình đó rất khách quan. Ví như phong tục nào của ta còn rườm rà, nhiều khi lôi thôi thành hủ tục, Phan Kế Bình thẳng thắn phê bình. Còn những gì hay, ông cũng khuyên ta nên gìn giữ. Tình anh em luôn gắn bó keo sơn nhưng cũng phải độc lập mà cố gắng vươn lên, con cái phải luôn trọn hiếu với cha mẹ nhưng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì cũng là điều không nên… Một nhà nho mà có tư tưởng tiến bộ như thế, thực đáng trân trọng!

Dù sao thì, “Việt Nam phong tục” cũng là một cuốn sách nên đọc và đáng đọc. Chẳng có lẽ nào một cuốn sách không hay có thể tồn tại được qua gần một thế kỉ và đến bây giờ vẫn luôn được đánh giá cao. Đọc sách để thấy một hồn người, thấy một cụ Phan Kế Bình đằng sau những dòng viết về phong tục đất nước là một tâm hồn yêu quê hương con người tha thiết. Đọc để thấy con người mình đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử như thế nào. Để thấy rằng có những giá trị vẫn vẹn nguyên như thế. Chúng tồn tại trong lòng ta, trong từng nếp sống của ta. Đó là Việt Nam của ông bà ta, cha mẹ ta, chúng ta và đồng bào ta!

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này